Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022
lừa đảo bằng combo du lịch giá rẻ
Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mùa du lịch
14:13 27/06/2022
Những ngày gần đây, sự việc một đoàn
hơn 100 khách ra sân bay nhưng không có vé lên máy bay đã gây xôn xao giới du
lịch. Câu chuyện “tưởng chừng như đùa” ấy không còn bất ngờ mỗi khi đến mùa cao
điểm du lịch.
Sử dụng chiêu thức bán combo du lịch giá rẻ trọn gói - bao gồm vé
máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ đưa đón hoặc vé vào các khu vui chơi, những
kẻ có hành vi bất chính đã liên tục lừa đảo nhiều người ham thích du lịch giá
rẻ. Đây là chiêu thức không mới, song vào thời điểm du lịch nội địa đang dần
hồi phục sau dịch Covid-19 đã đánh trúng tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của
nhiều người.
Do chủ quan, chúng tôi đã từng bị lừa mua voucher du lịch để đưa
cả gia đình hơn 10 thành viên đi Phú Quốc cách đây vài tháng. Sự chủ quan bắt
nguồn từ việc chúng tôi quá tin tưởng nhân viên bán voucher, vốn là người
thường xuyên đặt phòng và vé máy bay giúp gia đình.
Tin tưởng như những lần trước, chúng tôi đã đặt trọn gói vé máy
bay khứ hồi và khách sạn 5 đêm ở Phú Quốc cho chuyến đi của gia đình. Sau khi
chuyển tiền, chúng tôi nhận được mã đặt phòng và vé máy bay. Tuy nhiên, khi ra
đến sân bay, cả gia đình ngỡ ngàng nhận ra nhân viên bán voucher chỉ thanh toán
chuyến bay chiều đi, còn khách sạn và chuyến bay chiều về do chưa thanh toán
nên đã bị hủy. Tôi đã gọi điện thoại rất nhiều lần nhưng người này không bắt
máy. Thế là cả gia đình cuống cuồng lo đặt phòng khác với giá cao hơn.
Tương tự, chị M (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đã lên mạng mua combo 3
ngày 2 đêm du lịch tại Đà Lạt với giá chỉ hơn 6 triệu đồng, dành cho 3 người,
bao gồm bữa sáng. Ác mộng thật sự bắt đầu khi chị M. và nhóm bạn thân lên đến
Đà Lạt nhưng khách sạn báo không tìm thấy tên khách đã đặt phòng. Chị M. ngao
ngán: “Khi biết tin mình chưa có tên trong danh sách đăng ký phòng của khách
sạn, tôi cuống cuồng gọi điện thoại cho người bán nhưng không liên lạc được.
Không chỉ điện thoại, Facebook, Zalo của người bán cũng đều chặn
tài khoản mạng xã hội của tôi, khiến tôi và hai người bạn trong nhóm phải mất
nửa ngày mới tìm được một khách sạn ở tạm. Sau đó, vì quá bức xúc, tôi đã lên
nhóm bán combo du lịch để hỏi thăm thì mới biết rất nhiều người do ham combo
giá rẻ nên đều bị lừa đảo như thế”.
Hiện nay, không khó để tìm kiếm những diễn đàn, hội nhóm chuyên
bán voucher, combo du lịch giá rẻ trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, để thu
hút khách hàng, nhiều đơn vị còn tung ra vô số chương trình khuyến mãi như hỗ
trợ xe đưa đón tận khách sạn, hỗ trợ dịch vụ thuê xe máy, miễn phí các bữa ăn
sáng, sử dụng bể bơi… Bên cạnh những công ty du lịch lữ hành uy tín, vẫn còn
nhiều cơ sở du lịch nhỏ lẻ, với một số người xưng danh là cộng tác viên của
công ty du lịch, để bán combo du lịch. Những người bán nhỏ lẻ này thường chỉ có
fanpage và không cung cấp đầy đủ thông tin, số điện thoại hoặc địa chỉ hoạt
động. Dù thế, khi khách muốn mua combo, họ luôn đề nghị khách phải trả đủ tiền
rồi mới gởi mã vé cho người mua sản phẩm.
Ngoài chiêu thức này, những kẻ lừa đảo còn mạo danh các hãng lữ
hành lớn để đăng tin lên hội thanh lý voucher, combo để tiến hành các giao dịch
lừa đảo.
Các vụ lừa đảo combo du lịch dù xảy ra thường xuyên nhưng vẫn chưa
bị các cơ quan chức năng xử lý. Nguyên nhân chủ yếu là việc đặt combo du lịch,
thanh toán tiền đều trên mạng xã hội. Người mua combo không biết tên, mặt hay
địa chỉ liên hệ của người bán là chuyện khá phổ biến.
Do đó, khi bị lừa đảo, nếu trình báo với cơ quan chức năng thì
cũng mất nhiều thời gian để xác định danh tính và chứng minh hành vi lừa đảo
của đối tượng. Chính vì thế, khách du lịch nên tỉnh táo trước khi lựa chọn mua
combo du lịch. Nếu cảm thấy những dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình
báo với cơ quan công an để được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
LÝ AN NHIÊN/SGGP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Để chúng tôi phục vụ quý khách tốt hơn, hãy đưa ra nhận xét về sản phẩm du lịch của chúng tôi. Thân!